Các dịch vụ  được tạo lập trên nền tảng nguồn tin trực tuyến và ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin & truyền thông nhằm đáp ứng linh hoạt các loại nhu cầu tin của  người dùng tin (NDT),trong bối cảnhcác trường đại học đang triển khai mạnh hình thức đào tạo từ xa, dạy và học trực tuyến.

Từ khoá: Khuynh hướng, Dịch vụ TTTV,Đào tạo trực tuyến; Cách mạng công nghiệp 4.0.

Mở đầu

Kể từ năm 2010, Research Planning and Review Committee trực thuộc  Ban Nghiên cứu quy hoạch và đánh giá của Hiệp hội các thư viện đại học và nghiên cứu của Mỹ (Association of College and Research Libraries – ACRL) định kỳ 2 năm 1 lần đã biên soạn và công bố các báo cáo tổng quan về các khuynh hướng đổi mới hoạt động TTTV nổi bật(Top Trends) của các TVĐHcủa Mỹ.

Trên cơ sở nghiên cứu các báo cáo tổng quan từ năm 2010 đến 2020, có thể nhận thấy những khuynh hướng nổi bật hoạt động TTTV của  các TVĐH Mỹthập kỷ qua trong bối cảnh đổi mới GDĐH, xã hội thông tin, nền kinh tế tri thức.

1. Những khuynh hướng phát triển của thư viện đại học thập kỷ qua

Bản báo cáo do ACRL biên soạn và công bố năm 2012 đã phân tích 10 khuynh hướng phát triển nổi bật của thư viện đại học (TVĐH).Tiếp theo đó, các báo cáo của những năm tiếp theo cũng đã lần lượt nêu và phân tích các khuynh hướng phát triển quan trọng khác tại các TVĐH, mà trong đó, cùng với sự phát triển về trữ lượng các nguồn thông tin mà TVĐH cung cấp cho người dùng của mình, còn phải kể đến sự phát triển hết sức đa dạng của các loại hình DVTTTV. Có lẽ vì thế mà Giáo sư P. Kaufman đã nhấn mạnh: “Sự khác biệt giữa các thư viện trong thế kỷ 21 được xác định không chỉ đơn thuần bởi giá trị nội dung của bộ sưu tập, mà còn bởi quy mô và chất lượng các dịch vụ mà thư viện đó đưa ra” [6, tr. 15].Qua các báo cáo,  chúng tôi xin nêu một số xu hướng đổi mới nổi bật sau:

1.1.Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin và truyền thông,các trang mạng xã hội

Xu hướng phát triển này được phản ánh qua nhiều hình thức và mức độ khác nhau, để thích ứng với phương thức đào tạo mới, đặc biệt là đào tạo trực tuyến (e-learning/ online education). Khuynh hướng này ngày càng rõ nét và thay đổi nhanh chóng cùng với sự phát triển của IoT, các trang mạng xã hội, các phương tiện và thiết bị truyền thông thân thiện của NDT. Chẳng hạn, các TVĐH đã tận dụng môi trường di động để tiến hành việc phổ biến và cung cấp thông tin. Các cơ sởGDĐH đang sử dụng máy tính bảng cũng như các  dịch vụ quen thuộc với người dùng như facebook, twitter, zalo… để nâng cao việc học trong và ngoài lớp học. Một số trường học đã cung cấp học liệu số lên hệ thống dạy học trực tuyến của nhà trường (LMS); sử dụng máy tính bảng để ghi lại bài giảng, hướng dẫn, định hướng và xuất bản tương tác. Theo hướng đó, các TVĐH cũng có xu hướng tận dụng môi trường, các phương tiện này để triển khai nhiều loại dịch vụ thông tin của mình, tiêu biểu là truyền tệp (cung cấp tài liệu), phổ biến thông tin hiện tại (CAS), phổ biến thông tin chọn lọc (SDI)…

 Sự phát triển các nguồn tin toàn văn cho phép khai thác dưới chế độ truy cập mở kèm theo việc cung cấp các dịch vụ khác nhau đáp ứng nhu cầu NDT.Từ năm 2010, vấn đề phát triển các nguồn tin trực tuyến, cho phép người dùng khai thác dưới chế độ truy cập mở (open access) đã trở thành xu hướng chủ đạo đối với các TVĐH. Điểm khác biệt rõ nhất của xu thế này chính là người dùng không chỉ dừng lại ở việc khai thác các công cụ dạng OPAC đã tồn tại từ trước, mà là họ có thể khai thác dạng toàn văn các nguồn thông tin, trong đó nhất là các nguồn học liệu – học liệu mở (Open Course Ware – OCW) . Tiêu biểu trong số các TVĐH theo xu hướng này là Viện Công nghệ Massachusetts (MIT). Tại đây, các sản phẩm và dịch vụ thông tin thư viện( SP&DVTTTV) quan trọng dành cho NDT bao gồm:

(1) Sản phẩm: Trang chủ môn học; Các CSDL trực tuyến về Giáo trình môn học; Hệ thống tài liệu trợ giúp NDT: Hướng dẫn cách thức khai thác, tìm kiếm thông tin; Hệ thống các câu hỏi thường gặp.

(2) Dịch vụ: Dịch vụ truy cập và tìm giáo trình trong OCW của MIT. Tìm theo chủ đề; theo số hiệu giáo trình; theo khoa, ngành đào tạo. Các chế độ: Tìm cơ bản; Tìm nâng cao; Dịch vụ truyền/ Tải dữ liệu; Hỗ trợ, hướng dẫn khai thác thông tin [8].

Trong thời kỳ chuyển đổi số, khuynh hướng trên có nhiều điều kiện thuận lợi mà các TVĐH triển khai. Trước hết đó là sự xuất hiện khá phổ biến của các doanh nghiệp thông tin, nhà xuất bản, những chủ thể đã tạo lập và phổ biến các CSDL toàn văn lớn về các lĩnh vực khoa học, công nghệ, mà đáng chú ý là sự xuất hiện hàng trăm ngàn các tạp chí khoa học, sách, chuyên khảo… dạng toàn văn: ScienceDirect, Proquest Central, Thompson Reuters, Web of Sicences, Springer Nature, IEEE Xplore Digital Library (Viện  kỹ sư điện và điện tử Mỹ) …

Có thể thấy, sự dịch chuyển từ mô hình TVĐH với tư cách nơi tập trung các bộ sưu tập (dạng truyền thống hay điện tử) trở thành nơi cung cấp dịch vụ truy cập các nguồn tin trực tuyến (trên toàn thế giới) cũng như hàng loạt các dịch vụ khác hỗ trợ việc học tập, nghiên cứu của NDT tại trường đại học [15].

Có thể nói đây là xu hướng rất phổ biến và mang rõ tính kế thừa sự phát triển TVĐH từ đầu những năm 1990, khi mà Internet dần trở thành phương tiện quan trọng, môi trường thiết yếu để tạo lập, phổ biến và cung cấp thông tin trên tất cả các phạm vitrong xã hội hiện đại [1, tr. 6-8].

1.2 Phát triển các dịch vụ dữ liệu (Data Services)

Ngay tại báo cáo đầu tiên của ACRL, dịch vụ này đã được nhấn mạnh ở khía cạnh quản trị dữ liệu (data curation). Báo cáo đã chỉ rõ “Những thách thức về quản lý dữ liệu đang tăng lên khi các tiêu chuẩn cho tất cả các loại dữ liệu không ngừng phát triển; đã xuất hiện nhiều kho lưu trữ dữ liệu hơn, nhiều trong số chúng được phát triển trên nền tảng công nghệ điện toán đám mây…”[9].Gần đây, sự xuất hiện các khái niệm dữ liệu lớn (Big Data), Internet vạn vật (IoT)…. càng đòi hỏi cán bộ thư viện và những người làm công tác trong lĩnh vực thông tin-xuất bản phải cộng tác chặt chẽ với nhau và với cộng đồng nghiên cứu của họ để thực hiện việc quản lý dữ liệu trong bối cảnh sự phát triển mạnh mẽ nêu trên.Có thể nói, sự phát triển các dịch vụ dữ liệu tại TVĐH  đã trở thành một nội dung xuyên suốt phản ánh khuynh hướng nổi bật của TVĐH trong thập kỷ qua. Trong báo cáo mới nhất của ACRL, khuynh hướng thứ 6 được gọi tên: Các dịch vụ dữ liệu nghiên cứu (Research Data Services - RDS) [13]. Các nghiên cứu và báo cáo khác cũng đã nhấn mạnh đến sự phát triển các loại dịch vụ dữ liệu mà TVĐH cung cấp đến NDT của mình [10], [11],[12]…Có thể nói, sự phát triển các loại hình dịch vụ dữ liệu tại các TVĐH vừa là đòi hỏi cấp bách, vừa phản ánh sự phát triển nội tại của TVĐH.

Tại trường đại học, giảng viên, sinh viên và nhà nghiên cứu… “không chỉ cần được cung cấp các dịch vụ liên quan tới tổ chức dữ liệu cùng các giải pháp liên quan tới an toàn, an ninh dữ liệu khoa học (phục vụ cho công bố khoa học) mà còn cần được cung cấp các dịch vụ hỗ trợ cho người dùng tin trong việc quản lý dữ liệu, hỗ trợ việc chia sẻ dữ liệu nhằm mục đích tiến hành các nghiên cứu một cách lâu dài” [15, tr. 10]. Các dịch vụ dữ liệu là khá phong phú, trong số đó đáng lưu ý là dịch vụ này được sử dụng như một công cụ để đánh giá khoa học đối với mọi thực thể: một công trình khoa học cụ thể (ví dụ một tạp chí khoa học), cá nhân nhà khoa học, một tập thể khoa học trong trường đại học, một cộng đồng khoa học hoặc rộng hơn là trường đại học/ viện nghiên cứu, hệ thống đại học của một quốc gia, hệ thống nghiên cứu-triển khai của quốc gia, nhóm quốc gia…. Dịch vụ dữ liệu ở đây chính là việc phân tích, thống kê các trích dẫn khoa học tùy thuộc vào đối tượng được đánh giá.  Nội dung này đã được J. MacColl trình bày trong một nghiên cứu riêng công bố vào 2010[7]. Đây cũng là dịch vụ rất phổ biến hiện nay mà các tập đoàn thông tin-xuất bản lớn sử dụng, thông qua việc công bố các số liệu trích dẫn có liên quan (ví dụ chỉ số tác động (Impact Factor –IF) của tạp chí, số lượt trích dẫn tới công trình nghiên cứu…) theo chế độ thời gian thực (real time).

               Khi bàn về công tác quản lý dữ liệu khoa học tại trường đại học, M. Kappi đã nêu rõ:

               “…Thư viện phải được dựa trên nền tảng quản lý thông tin và nghiên cứu. Người cán bộ thư việncần nhận được sự hỗ trợ của giảng viên và những người làm công tác quản lý khác để thực hiện được nhiệm vụ này. Đương nhiên, cán bộ thư viện cũng cần phải trang bị được cho mình cho mình kiến thức mới về quản lý dữ liệu để nhiệm vụ đó được thực hiện tốt…”[5, tr. 649].

            Các dịch vụ dữ liệu là hết sức đa dạng, phong phú, không ngừng thay đổi bởi chúng luôn phụ thuộc vào sự phát triển đa dạng của nguồn tin (dữ liệu với tư cách là dạng thức tồn tại cụ thể của nguồn tin đó), các phương tiện dành cho việc tạo lập, xử lý, lưu giữ, cung cấp thông tin … Các dịch vụ dữ liệu “…cần trở nên thân thiện, phù hợp với mọi nội dung dạng số”. Kết quả nhận được từ dịch vụ dữ liệu do TVĐH cung cấp giúp cho việc xác định rõ “những bài báo, các xuất bản phẩm, sách  điện tử đang được hầu hết sinh viên và nhà nghiên cứu sử dụng” [5, tr. 650].

Ngoài ra, với nhiều dạng nhu cầu tin khác nhau, dịch vụ dữ liệu còn có khả năng cung cấp cho người dùng những sản phẩm đòi hỏi phải được cá thể hóa ở mức rất cao như dạng thức bao gói thông tin được cung cấp, các kết quả cung cấp cho người dùng thỏa mãn các đòi hỏi mang tính đặc thù. Ví dụ: dịch vụ dữ liệu hoàn toàn có thể đáp ứng được yêu cầu tin thỏa các điều kiện chọn lọc như các công trình nghiên cứu có thể truy cập toàn văn, đã được công bố trên các tạp chí khoa học với chỉ số tác động (IF) phù hợp; dạng thức bao gói thông tin có thể lựa chọn là biểu đồ hay bảng số liệu thống kê v…v…

1.3.Đa dạng hóa dịch vụ theo hướng tích hợp vào các dịch vụ đào tạo, nghiên cứu

Tập quán và nhu cầu người dùng trong bối cảnh các trường đại học chú trọng hình thức đào tạo từ xa, trực tuyến  được các TVĐH đặc biệt quan tâm. Các TVĐH phát triển các dịch vụ hướng đến NDT của mình,  tạo lập các DVTTTV hiện đại đảm bảo sự tương thích, thân thiện, thuận lợi cho NDT. [1], [10], [11],…

“Tại Đại học Công  nghệ  Delft (Hà  Lan), nhằm  phát triển năng lực nghiên cứu đối với người dùng tin, thư viện đã tổ chức nhiều dịch vụ hỗ trợ cho các nhà nghiên cứu. Đặc  biệt,  thư viện đã xây dựng cổng nghiên cứu để hỗ trợ cho các nhà nghiên cứu trong tất cả các giai đoạn của chu trình nghiên cứu: từ việc tạo ý tưởng, tìm kinh phí, thực nghiệm,... cho đến xuất bản và phổ biến các kết quả nghiên cứu. Cổng  nghiên  cứu    một  trong  những nơi các nhà nghiên cứu của đại học công nghệ Delft có thể tìm thấy giải pháp hoặc những hỗ trợ liên quan đến nghiên cứu của họ” [4, tr.6].

Nhiều trong số các báo cáo định kỳ của ACRL đều nhấn mạnh tới sự đa dạng các loại dịch vụ theo hướng tương thích với các nguồn tin trực tuyến, đồng thời có khả năng đáp ứng các loại nhu cầu, nhất là loại nhu cầu hỗ trợ nghiên cứu, đào tạo, dạng như các loại dịch vụ tham khảo (reference service), các loại công cụ thân thiện, tiện lợi nhằm cá thể hóa các kết quả nhận được đối với mỗi NDT. Tại TVĐH Keio (Nhật  Bản), người triển khai dịch vụ tham khảo luôn sẵn sàng giúp đỡ, hỗ trợ cho sinh viên, giảng viên tìm tài liệu và các hỗ trợ khác để học tiến hành các bài tập, hoạt động nghiên cứu, các dự án mà người dùng tin cần. TVĐH Niigata (Nhật Bản), hỗ trợ người dùng tin về cách tìm tài liệu, cách tìm kiếm trên OPAC và cách tìm trên các CSDL, tìm kiếm thông tin về một chủ đề...[4, tr.7].Các xu hướng về các hoạt động liên quan tới tính mở trong giáo dục đại học, bao gồm các dịch vụ truy cập mở (TVĐH hỗ trợ và khuyến khích các dịch vụ hướng tới truy cập mở nhằm phục vụ việc nghiên cứu và đào tạo tại trường đại học) và giáo dục mở (TVĐH thực thi các chính sách và biện pháp ưu đãi cho việc phát triển các nguồn lực thông tin phục vụ giáo dục mở (open educational resources – OERs, ví dụ hỗ trợ cho việc xuất bản các giáo trình mở...).

1.4.Phát triển dịch vụ xuất bản trực tuyến

 Có thể xem đây là một khuynh  hướng phát triển tương đối mới tại các TVĐH, xu hướng này đã được đề cập trong nhiều báo cáo của ACRL, cũng như các công trình nghiên cứu khác [14]. Có thể thấy, nếu xem xét kỹ lưỡng về bản chất, thì dịch vụ xuất bản cũng đã được không ít TVĐH chú trọng phát triển  trước đó.

Tại Mỹ, hầu hết các TVĐH đã tham gia tích cực và chủ động vào các hoạt động xuất bản và truyền thông tri thức khoa học (Scholarly Communication).Các mô hình truyền thông và xuất bản khoa học được phát triển rất nhanh chóngvà điều đó đặt ra cho các thư viện hoặc phải tích cực tham gia hoặc bị bỏ lại phía sau. Các mô hình xuất bản mới đang được triển khai đối với các tạp chí, sách chuyên khảo, sách giáo khoa, các tư liệu khoa học.

Xuất bản trực tuyến đang là xu thế phát triển chủ đạo trên thế giới. Trong khi đó, trường đại học, bên cạnh công tác đào tạo, còn có trách nhiệm quan trọng là tạo ra các nguồn thông tin khoa học giá trị góp phần thúc đẩy sự phát triển của khoa học, công nghệ, phát triển kinh tế-xã hội nói chung. Các nguồn thông tin đặc thù tại trường đại học như hệ thống các luận văn, luận án khoa học, kỷ yếu các hội nghị, hội thảo khoa học, các tạp chí khoa học, hệ thống giáo trình cũng như nhiều loại tư liệu, tài liệu khoa học khác cần được quản lý thống nhất và công bố, phổ biến sao cho việc khai thác, sử dụng phải thực sự thuận lợi, đạt được hiệu quả cao và lâu dài. Để làm được điều đó, công tác xuất bản  cần được đặc biệt quan tâm, vì thế nhiều trường đại học của Mỹ và các nước trên thế giới đã đạt được những kết quả tích cực trong việc cung cấp cho NDT khả năng truy cập tới  nguồn  tin nội sinh đặc thù của trường đại học .

Ví dụ tại MIT đã xuất bản toàn bộ chương trình đào tạo của hơn 2.340 môn học, thu hút trên 1,1 tỷ lượt người xem, với hơn 200 triệu lượt người truy cập khắp thế giới[8]. Qua đó, hoàn toàn có thể xem việc tổ chức, tạo lập, liên kết tất cả các nguồn học liệu theo một cấu trúc thống nhất, chặt chẽ để tạo điều kiện cung cấp cho NDT việc truy cập theo chế độ 24/7 tại mọi nơi trên thế giới thông qua Internet chính là việc xuất bản các nguồn học liệu trên môi trường mạng tại đây.

               Một mô hình xuất bản nổi tiếng trên thế giới hiện nay là mạng EThOS cung cấp khả năng truy cập mở đến hệ thống luận án khoa học trực tuyến và toàn văn của trên 120 trường ĐH và viện nghiên cứu của Vương quốc Anh (http://ethos.bl.uk/Home.do). Tại đây, TVĐH tham gia hoạt động xuất bản với phương thức cùng sử dụngdịch vụ này mà nhà quản trị EthOS cung cấp. 
2. Thư viện đại học Việt Nam  thời cơ và thách thức

Trong thời gian qua, các trường đại học  nước tađang  thực hiện mạnh mẽ nhiệm vụ đổi mới căn bản và toàn diện GDĐH.Việc chuyển từ quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học; từ học chủ yếu trên lớp sang tổ chức hình thức học tập đa dạng, chú ý dạy và học trực tuyến đang được các nhà trường  tập trung triển khai. Trong bối cảnh đó, các TVĐHđang hướng tới tạo lập các dịch vụ hướng tới việc học dựa trên năng lực, chú trọng tới việc hỗ trợ sinh viên trong việc nâng cao năng lực thông tin nhằm giúp họ ngày càng bình đẳng hơn trong khai thác, sử dụng thông tin một cách phù hợp nhất phục vụ việc học tập, nghiên cứu của mình trong trường đại học. Việc xây dựng nguồn học liệu số và phát triển thư viện số luôn được các trường quan tâm hiện nay:“Thư viện được xem là nhân tố quan trọng trong giáo dục, do vậy thư viện số được kỳ vọng sẽ mang lại những cơ hội trong sự đổi mới trong giáo dục” [1, tr.4].

Nhiều người cũng đã nhận ra, mô hình TVĐH tích hợp phải đáp ứng và phù hợp với mối quan hệ người dạy- người học trong nhà trường đại học. Ở đây, người thầy trong lớp học chỉ nêu vấn đề mà người học cần tìm hiểu và chỉ ra những nguồn tài liệu mà sinh viên có thể dùng để nghiên cứu tham khảo. Sinh viên phải  có năng lực thông tin tra tìm các tài liệu liên quan đến vấn đề cần nghiên cứu, thảo luận:“Trong công cuộc đổi mới giáo dục đại học, thư viện đại học giữ một vai trò hết sức quan trọng. Nó cung cấp môi trường và các học liệu để giúp người dạy và người học có thể thực sự biến quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo, thực hiện các công trình nghiên cứu một cách có hiệu quả” [2, tr. 7].

Những năm qua, để đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới giáo dục và công tác kiểm định chất lượng giáo dục, các TVĐH nước ta đã có sự chuyển biến tích cực, đặc biệt việc thực hiện nhiệm vụ chuẩn hóa, hiện đại hóa: “ Có thể thấy, trên thực tế gần như mọi hoạt động nghiệp vụ của các thư viện đại học Việt Nam hiện nay đều đã ứng dụng tiến bộ của khoa học và công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin và truyền thông.” [3, tr. 29]. Việc ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông được xem là một nhiệm vụ quan trọng của TVĐH: “phải luôn theo kịp sự phát triển của trường đại học và xã hội trong việc ứng dụng công nghệ mới.Trong đó xây dựng môi trường ảo và không gian trực tuyến đang là chủ đạo” [1, tr.6].

Trong giai đoạn thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số nước ta hiện nay, các TVĐH ở nước ta  cần chú trọng hơn nữa để giải quyết những vấn đề sau:

- Nội dung của Dữ liệu lớn (Big Data), Internet vạn vật (IoT) chưa được đặt ra nghiên cứu và giải quyết trong phạm vi các TVĐH.

- Khả năng tổ chức, tạo lập và quản lý các nguồn thông tin, dữ liệu của TVĐH chưa theo kịp yêu cầu đổi mới nội dung, chương trình và phương thức đào tạo của các trường đại học. Hệ thống các nguồn học liệu còn chưa được phát triển một cách đầy đủ, toàn diện, các dịch vụ phát triển trên nền tảng này còn giản lược và chưa thực sự thân thiện với người dùng, do vậy việc đáp ứng  nhu cầu của NDT còn hạn chế.  Hầu hết các TVĐH chưa quan tâm đến hoạt động xuất bản, đặc biệt là xuất bản trực tuyến (online publishing)

- Việc tạo lập, phát triển hệ thống SP&DVTTTV tại các trường ĐH nước ta chưa được triển khai trong khuôn khổ một Chương trình tổng thể chung trên phạm vi quốc gia. Chưa có các chế tài mạnh bảo đảm tính hệ thống, thực hiện sự liên kết các SP&DVTTTV giữa các trường để các TVĐH liên kết, phối hợp với nhau một cách tự giác và bền vững.

- Các dịch vụ hỗ trợ nghiên cứu, quản lý, phục vụ đánh giá khoa học còn ở mức giản lược hoặc hầu như chưa được đặt ra. Một số trường đại học không có điều kiện mua các SP&DVTTTV hiện đại của nước ngoài.

Kết luận.

Tác động của Cách mạng công nghiệp 4.0, đặc biệt là việc ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số đã và đang yêu cầu giáo dục đại học cần có chiến lược phát triển đáp ứng yêu cầu xã hội. Công nghệ số đang tạo ra những điều kiện, những cơ hội rất lớn để đổi mới mạnh mẽ mô hình nhà trường, phương thức tổ chức, phương pháp, phương tiện dạy và học với chi phí đầu tư hợp lý. Chuyển đổi số giúp người học được tiếp cận với nguồn trí thức gần như vô tận của nhân loại, được sử dụng thuận lợi nhất. Công nghệ cho phép người học được trải nghiệm nhiều hơn qua tương tác trên môi trường số, được hướng dẫn học theo lộ trình cá thể hoá phù hợp với bản thân. Dựa trên dữ liệu và công nghệ, nhà trường tổ chức quản lý tốt hơn, ra quyết định đúng đắn hơn,  nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo, tăng khả năng tiếp cận tri thức cho người học.

      Trong bối cảnh đó, các TVĐH đang đứng trước thời cơ và thách thức, đòi hỏi  có sự đổi mới toàn diện về mô hình tổ chức, phương thức hoạt động. Để đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ mới, các TVĐH cần có sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa và tạo lập được nhiều loại hình SP&DVTTTV mới, thân thiện, với chất lượng và hiệu quả cao hơn để phục vụ NDT, đóng góp quan trọngtrong sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện của các trường đại học Việt Nam hiện nay./.

 

                                                            TÀI LIỆU THAM KHẢO

Tiếng Việt

1. Đỗ Văn Hùng. Vai trò của thư viện số trong môi trường học tập trực tuyến và chia sẻ học liệu.// Thông tin & Tư liệu. 2015. Số 6. Tr. 3-11.

2. Vũ Dương Thúy Ngà. Bàn về một số yêu cầu đặt ra đối với thư viện đại học trong công cuộc thực hiện đổi mới giáo dục đại học Việt Nam.// Thông tin & Tư liệu. 2015. Số 3. Tr. 3-7

3. Trần Minh Nhớ. Hoạt động thư viện đại học Việt Nam trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0. Thông tin & Tư liệu. 2019. Số  2. Tr. 26-31.

4. Bùi Loan Thùy, Nguyễn Thị Trúc Hà. Phát triển dịch vụ thông tin-thư viện tại một số trường đại học trên thế giới: Bài học với thư viện đại học Việt Nam. Thông tin & Tư liệu. 2017. Số 2. Tr. 3-12.

Tiếng Anh

5. Kappi M., Chidanandappa S. Managing Modern Libraries: Challenges for Academic Libraries in the 21st Century .// Journal of Emerging Technologies and Innovative Research, 2018. November, Vol. 5 Issue 11. pp.648-651.

6. Kaufman P. (2012), Developing New Models of Service, Illinois: University Library.

7. MacColl J. (2010), "Library Roles in University Research Assessment", Liber Quarterly, Vol. 20, Issue 2, pp. 152-168.

8. MassachusettsInstitute of Techonogies: https://ocw.mit.edu/index.htm

9. Research Planning and Review Committee  (ACRL) (2013), 2012Top Ten Trends in Academic Libraries: A Review of the Trends and Issues Af-fecting Academic Libraries in Higher Education. Chicago.

Nguồn:http://crln.acrl.org/content/73/6/311.full, truy cập ngày 10/3/2014.

10. Research Planning and Review Committee  (ACRL) (2015), 2014 Top Trends in Academic Libraries: A review of the trends and issues affecting academic libraries in higher education. Nguồn:http://crln.acrl.org/content/75/6/294.short?rss =1&ssource =mfr ,truy cập ngày 20/4/2015.

11. Research Planning and Review Committee  (ACRL) (2016),2016 top trends in academic libraries A review of the trends and issues affecting academic libraries
in higher education
.// CRL News. 2016. June. pp. 274-281.

12. Research Planning and Review Committee  (ACRL) (2018),2018 top trends in academic libraries A review of the trends and issues affecting academic libraries in higher education

Nguồn : https://crln.acrl.org/index.php/crlnews/article/view/17001/18750

13. Research Planning and Review Committee  (ACRL) (2021),2020 top trends in academic libraries A review of the trends and issues affecting academic libraries in higher education.

Nguồn https://crln.acrl.org/index.php/crlnews/article/view/24478/32315, truy cập ngày

14. Spencer M.E., Watstein S.B. Academic Library Spaces: Advancing Student Success and Helping Students Thrive. //Libraries and the Academy, Volume 17, Number 2, April 2017, pp.389-402.

15. Tenopir C.,…(2012), Academic Libraries and Research Data Services: CurrentPractices and Plans for the Future: An ACRL White Report

TS. Vũ Duy Hiệp - Trường Đại học Vinh