Tiêu chuẩn "cứng" diện tích thư viện, sẽ khó với nhiều trường đại học
Theo quy định tại Thông tư 14, tiêu chuẩn thư viện trường đại học, tổng diện tích phòng đọc phải đảm bảo không dưới 200m2 (tiêu chuẩn là 2,4m2/chỗ ngồi); Khu vực lưu trữ tài nguyên thông tin xuất phẩm bảo đảm diện tích kho đóng 2,5m2/1000 bản sách, kho mở 4,5m2/1000 bản sách...
Về nội dung trên, Thạc sĩ Trần Thị Thúy Kiều - Giám đốc Trung tâm Thư viện trường Đại học Nguyễn Tất Thành cho hay, Nhà trường hoàn toàn đồng ý với quy định diện tích phòng đọc; diện tích Khu vực lưu trữ tài nguyên thông tin xuất bản phẩm; Số bản sách cho mỗi tên giáo trình và Số bản sách cho mỗi tên tài liệu tham khảo.
"Đối với Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, tổng diện tích sử dụng của Thư viện Trường khoảng 4.500m2 với hơn 1.600 chỗ ngồi đáp ứng trên 5% qui mô sinh viên của nhà trường, vượt chuẩn so với quy định diện tích phòng đọc và diện tích khu vực lưu trữ tài nguyên thông tin xuất bản phẩm của Thông tư 14", cô Kiều chia sẻ.
Đối với số bản sách cho mỗi tên giáo trình và mỗi tên tài liệu tham khảo trên qui mô sinh viên, hiện tại Trường Đại học Nguyễn Tất Thành đã đáp ứng đối với giáo trình/ tài liệu tham khảo bản tiếng Việt và vượt chuẩn đối với giáo trình, tài liệu tham khảo là tài liệu nội sinh của nhà trường.
Hiện nay, giáo trình và tài liệu tham khảo phục vụ cho các chương trình đào tạo được các nhà xuất bản trong và ngoài nước triển khai xuất bản tài tài liệu điện tử (ebook), đây là giải pháp giúp Nhà trường tiết kiệm chi phí mua sách in, giúp sinh viên có thể tiếp cận nguồn tài liệu mọi lúc mọi nơi thông qua tài khoản được cấp, việc thay đổi phương thức từ tài liệu giấy sang tài liệu số, hạn chế việc sử dụng tài liệu giấy là một trong số nội dung cốt lõi xây dựng Thư viện xanh do Tổ chức IFLA khởi xướng được thư viện các nước trên thế giới đang theo đuổi.
"Ngoài ra việc chuyển đổi ưu tiên sử dụng hình thức tài liệu số, sẽ góp phần thực hiện chuyển đổi số tại Thư viện trường trong tổng thể hệ sinh thái chuyển đổi số chung của nhà trường", Thạc sĩ Trần Thị Thúy Kiều - Giám đốc Trung tâm Thư viện trường Đại học Nguyễn Tất Thành nói.
Khác với Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, Trường Đại học Hà Nội là trường công lập lại cho rằng, tiêu chuẩn về diện tích Thư viện theo Thông tư mới là khó với nhiều trường đại học.
Tiến sĩ Lê Thị Thành Huế - Giám đốc Thư viện trường Đại học Hà Nội cho hay, hiện nay, nhiều thư viện đại học đã phát triển theo mô hình thư viện hiện đại với không gian học tập tập trung. Vì vậy, các không gian đọc, không gian tổ chức tài nguyên thông tin được thực hiện linh hoạt theo theo hướng mở, hiện đại, thân thiện, tiện ích, phù hợp với diện tích, thiết kế của từng thư viện.
"Vì vậy, là một thư viện đã được tổ chức theo mô hình thư viện hiện đại, việc quy định tiêu chuẩn về diện tích cứng như vậy cũng là một khó khăn cho Thư viện Trường Đại học Hà Nội nói riêng và các thư viện đại học ở Việt Nam nói chung", cô Huế chia sẻ.
Bên cạnh đó, cô Huế cũng cho rằng, việc đầu tư sách ngoại văn đảm bảo cập nhật với số lượng lớn như vậy đòi hỏi kinh phí đầu tư rất lớn. Trong khi đó, những xuất bản phẩm không thể thu thập đủ do nhà xuất bản xuất bản với số lượng hạn chế hoặc bị hạn chế thị trường phát hành.
Về những yêu cầu như hệ thống chiếu sáng (ánh sáng tự nhiên và nhân tạo theo tiêu chuẩn), hệ thống thông gió, hệ thống phòng cháy chữa cháy, Thạc sĩ Trần Thị Thúy Kiều cho hay, khi xây dựng các phòng chức năng tại thư viện, nhà trường đã chú trọng đầu tư hệ thống chiếu sáng, hệ thống thông gió, hệ thống phòng cháy chữa cháy để đảm bảo không gian học tập đáp ứng về ánh sáng, đảm bảo công tác an toàn phòng cháy chữa cháy.
Trong mỗi năm học, nhà trường đều tiến hành khảo sát sự hài lòng của sinh viên về cơ sở vật chất và các yếu tố liên quan, qua đó ghi nhận những đánh giá và góp ý của sinh viên để kịp thời có biện pháp cải tiến, không những đáp ứng sự hài lòng của sinh viên khi đến sử dụng thư viện.
Hiện tại nhà trường đang triển khai đề án Thư viện xanh hướng đến các mục tiêu phát triển bền vững, theo lộ trình trong thời gian đến Thư viện trường được đầu tư các thiết bị IOT để theo dõi độ ồn, ánh sáng, nhiệt độ, môi trường…
Về tiêu chuẩn trên, Tiến sĩ Lê Thị Thành Huế chia sẻ, Thư viện Trường Đại học Hà Nội được trang bị đầy đủ ánh sáng, hệ thống thông gió, hệ thống phòng cháy chữa cháy theo quy định. Thư viện được bố trí tại tòa nhà riêng, có nhiều cửa sổ đảm bảo ánh sáng tự nhiên, có hệ thống điều hòa tổng riêng và đảm bảo các phương tiện phòng cháy chữa cháy luôn được kiểm tra, bảo trì, thay mới.
Triển khai dịch vụ thư viện số khó khăn về vấn đề bản quyền
Giám đốc Trung tâm Thư viện Trường Đại học Nguyễn Tất Thành cho hay, để phục vụ cho công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học của nhà trường cũng như tăng tiện ích cho người sử dụng, nhà trường đã chủ trương và bắt đầu triển khai xây dựng thư viện số từ năm 2011, tính đến nay thư viện số của nhà trường có khoảng gần 15000 tài liệu số bao gồm sách, giáo trình, khóa luận tốt nghiệp, luận văn, đề tài nghiên cứu, bài báo chuyên ngành.
Khó khăn nhất đối với nhà trường khi triển khai dịch vụ thư viện số là tiến độ số hóa các giáo trình/ tài liệu tham khảo không thuộc tài liệu nội sinh của nhà trường. Vì theo quy định, đối với các giáo trình/tài liệu tham khảo bên ngoài nếu thư viện số hóa cần phải bảo đảm các quy định về sở hữu trí tuệ, được số hóa theo thỏa thuận của cơ sở giáo dục đại học với tác giả.
Giám đốc Thư viện Trường Đại học Hà Nội cho biết, Thư viện trường đã triển khai khá đầy đủ các dịch vụ thư viện số và các dịch vụ thư viện hiện đại khác.
"Tuy nhiên khó khăn lớn nhất và cũng là khó khăn chung của các thư viện đại học là vấn đề bản quyền. Đây là một rào cản rất lớn cho thư viện trong việc triển khai dịch vụ thư viện số.
Mặc dù Luật Sở hữu trí tuệ đã có những đặc quyền cho các thư viện song vấn đề số hóa và phục vụ tài liệu số vẫn là vấn đề khó giải quyết do chưa có cơ chế, chính sách, hướng dẫn cụ thể, rõ ràng cho các thư viện cũng như thiếu các cơ chế, chính sách liên quan khác", cô Huế chia sẻ.
Chia sẻ tài nguyên thông tin thư viện còn khó về công nghệ liên thông
Giám đốc Trung tâm Thư viện Trường Đại học Nguyễn Tất Thành cho hay, để triển khai được hoạt động liên kết thư viện đại học với các trường khác nhằm kết nối chia sẻ nguồn tài nguyên sử dụng chung, nhà trường đã đầu tư giải pháp phần mềm hỗ trợ xây dựng và quản trị tài nguyên đảm bảo chuẩn kỹ thuật làm nền tảng cho việc kết nối chia sẻ.
Tính đến thời điểm hiện tại, Trường đã tham gia Mạng liên kết nguồn lực thông tin khoa học và công nghệ STNET (Science & Technology Information Network) kết nối dữ liệu với 44 trường đại học, cao đẳng tại Thành phố Hồ Chí Minh và Trung tâm Tri thức số (Thư viện dùng chung các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam) kết nối dữ liệu với 63 trường đại học ở Việt Nam.
Để triển khai cho sinh viên, giảng viên truy cập, tra cứu và khai thác sử dụng, thư viện trường đã kết nối đường link và tài liệu hướng dẫn sử dụng lên website của thư viện, lồng ghép nội dung giới thiệu đến bạn đọc trong học liệu trực tuyến về thư viện và các lớp tập huấn kỹ năng tra cứu tài liệu và sử dụng thư viện...
Còn với Trường Đại học Hà Nội, hiện nay, ngoài việc kết nối tới các thư viện đại học trong và ngoài nước, thư viện trường đã thực hiện liên kết, hợp tác với một số thư viện đại học có chung đặc điểm về nguồn lực thông tin, đối tượng phục vụ nhằm mở rộng khả năng tiếp cận thông tin của người học.
Đặc biệt, thư viện đã tham gia hệ thống thư viện số dùng chung do Viện Nghiên cứu và Phát triển tri thức số trực thuộc Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam phụ trách. Tuy nhiên, việc liên thông, hợp tác chủ yếu tập trung vào liên thông chia sẻ dữ liệu thư mục và các sản phẩm, dịch vụ thư viện.
"Việc chia sẻ tài nguyên thông tin số vẫn còn hạn chế do vướng mắc về bản quyền số, cũng như các vấn đề công nghệ liên thông giữa các thư viện đại học", Tiến sĩ Lê Thị Thành Huế cho hay
Theo tác giả: Mạnh Đoàn